Phương pháp điều trị kinh nguyệt không đều

Điều trị kinh nguyệt không đều như thế nào?

Chu kỳ kinh không đều do dậy thì và mãn kinh thường không cần điều trị. Điều trị kinh nguyệt không đều do các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
Điều chỉnh hoặc điều trị bệnh ẩn dưới. Nếu kinh nguyệt không đều, bạn nên đi khám bệnh để được xét nghiệm máu – kiểm tra nồng độ hóc-môn và chức năng tuyến giáp. Hội chứng buồng trứng đa nang và cường giáp là hai nguyên nhân phổ biến của chu kỳ kinh không đều ở phụ nữ. Điều trị những rối loạn này rất phức tạp và khác nhau giữa người này và người khác. Nói chung, mục tiêu điều trị là hồi phục sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể.

Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể dùng thuốc tránh thai hoặc các hóc-môn khác để tạo chu kỳ kinh.

Cường giáp được điều trị bằng thuốc (giúp giảm lượng hóc-môn tuyến giáp mà cơ thể sản sinh ra), i-ốt phóng xạ, và đôi khi cần phẫu thuật.

· Thay đổi biện pháp tránh thai. Một số phụ nữ có chu kỳ kinh không đều khi dùng dụng cụ tránh thai. Nếu chu kỳ kinh của bạn không trở về bình thường trong vòng 3 tháng dùng dụng cụ tránh thai, hãy đi khám bệnh để xem liệu bạn có phải tháo dụng cụ tử cung hay không. Nếu chu kỳ kinh không đều khi bạn dùng thuốc tránh thai, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng loại thuốc tránh thai khác.

· Thay đổi lối sống. Một số phụ nữ có thể bị thay đổi chu kỳ kinh do tập luyện quá nhiều. Giảm tần suất và cường độ tập luyện có thể giúp chu kỳ kinh của bạn trở về bình thường.

Căng thẳng dẫn tới nhiều thay đổi trong cơ thể, bao gồm cả chu kỳ kinh không đều. Các kỹ thuật thư giãn và tư vấn có thể có lợi cho bạn.

Những thay đổi nhiều về cân nặng cũng tác động tới chu kỳ kinh của bạn. Tăng cân có thể cản trở khả năng rụng trứng của cơ thể, khiến kinh nguyệt không đều. Giảm cân có thể giúp hồi phục chu kỳ kinh không đều. Sụt cân nhanh và nhiều có thể dẫn tới chu kỳ kinh thưa hoặc không đều.

· Liệu pháp hóc-môn. Chu kỳ kinh không đều thường là do thiếu hoặc mất cân bằng hóc-môn trong cơ thể. Thuốc tránh thai chứa các hóc-môn estrogen và progesterone thường được kê đơn để kiểm soát chu kỳ kinh không đều.

Các hóc-môn khác cũng được kê cho phụ nữ có chu kỳ kinh không đều và khó có thai.

· Phẫu thuật. Đôi khi, sẹo hoặc các rối loạn cấu trúc trong tử cung hay ống dẫn trứng có thể dẫn tới chu kỳ kinh không đều. Có thể tiến hành phẫu thuật để chỉnh sửa những rối loạn cấu trúc hoặc dị tật bẩm sinh, nhất là ở phụ nữ muốn sinh con. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện để lấy bỏ mô sẹo (dính) nghiêm trọng trong đường sinh dục.

Khi nào cần khám bệnh?

Bạn nên đi khám bệnh nếu có một trong những triệu chứng sau:

· Không thấy từ 3 chu kỳ kinh trở lên mỗi năm.

· Chu kỳ kinh dài hơn bình thường (trên 35 ngày).

· Chu kỳ kinh ngắn hơn bình thường (dưới 21 ngày).

· Bị mất máu nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh.

· Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.

· Đau nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh.
Share this article :

Đăng nhận xét